TPForex

[tintuc]

Ngày 6/3, Tập đoàn FLC và Hãng sản xuất máy bay Airbus của Pháp có buổi làm việc tại trụ sở FLC, xoay quanh thỏa thuận hợp tác mua máy bay liên quan đến hãng hàng không Bamboo Airways.

Tại buổi làm việc, Tập đoàn FLC đã quyết định đặt mua 24 chiếc máy bay A321NEO do Airbus cung cấp.

Airbus A321NEO là phiên bản mới thuộc dòng A321 - loại máy bay lớn nhất trong gia đình máy bay A320 của Airbus (gồm máy bay A318, A319, A320 và A321). A321NEO có tổng chiều dài 44,51 mét, bố trí 220 chỗ ngồi, giúp tiết kiệm nhiên liệu, giảm thiểu khí thải và tiếng ồn. Máy bay thuộc dòng vận tải hành khách một lối đi rộng, cửa khoang khách thiết kế mới, lối thoát hiểm được tăng kích thước.

Airbus A321NEO là chiếc máy bay phổ biến và nằm trong biên chế phục vụ của phần lớn các hãng hàng không trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Có kết cấu khoang hợp lý, phạm vi hoạt động từ tầm ngắn đến tầm trung, tỷ suất an toàn cao, A321NEO được đánh giá là sản phẩm phù hợp với cả các tuyến bay giá rẻ và tuyến bay dịch vụ hoàn chỉnh, lý tưởng cho mô hình “lai” (hybrid) kết hợp cả hàng không giá rẻ và hàng không truyền thống mà Bamboo Airways hướng tới.
Ông Jean-François Laval, Phó Chủ tịch điều hành khu vực châu Á của Airbus phát biểu tại buổi làm việc.
Trước đó, vào tháng 6/2017, Tập đoàn FLC và công ty Bamboo Airways đã làm việc với hãng Boeing của Mỹ về dự định đặt mua 15 máy bay Boeing.

“Sau khi nghiên cứu và xem xét kỹ lưỡng các lựa chọn, FLC Group và Bamboo Airways đã đi đến quyết định đặt mua 24 máy bay từ Airbus trong giai đoạn đầu phát triển Bamboo Airways đến năm 2025. Sau khi vận hành và kiểm định hiệu năng, chúng tôi sẽ tính toán thêm các lựa chọn hợp tác mở rộng”, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC, cho biết.

Hiện Bamboo Airways vẫn đang chờ hồ sơ xin cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không được Chính phủ Việt Nam thông qua. Sau đó, công ty dự kiến sẽ tiếp tục đặt mua thêm 24 máy bay Airbus A321 LR (Long Range) để phục vụ hoạt động, nâng tổng số máy bay sở hữu lên 48 chiếc.  
 Airbus A321 LR là mẫu máy bay một lối đi thân dài nhất thế giới, có khả năng bay những tuyến xa xấp xỉ 7.400 km, phù hợp để hoạt động tầm trung và dài – thị trường trước đây các mẫu máy bay một lối đi chưa thể thâm nhập.

Trước thông tin này, ông Jean-François Laval - Phó Chủ tịch điều hành khu vực châu Á của Airbus cho biết A321NEO hiện là mẫu máy bay rất “đắt hàng” với số lượng đơn đặt mua vượt tốc độ sản xuất của Airbus. Tuy nhiên Airbus cam kết sẽ ưu tiên đơn hàng của Bamboo Airways bàn giao trong giai đoạn 2022 - 2025.

Đánh giá cao các bước triển khai quyết liệt của Tập đoàn FLC trong việc thành lập hãng hàng không, ông Jean-François Laval cho biết đã đệ trình đề xuất hỗ trợ về việc đẩy nhanh cấp phép cho Bamboo Airways tới chính chủ và Đại sứ hai nước.

Airbus cũng nhấn mạnh sẽ tiếp tục làm việc với chính quyền Paris để vấn đề này được quan tâm và đề cập trong chuyến thăm quan trọng của lãnh đạo cấp cao Việt Nam tới Pháp trong tháng 3/2018, góp phần thắt chặt mối quan hệ kinh tế - thương mại giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước.

“Trong giai đoạn chờ hồ sơ xin giấy phép kinh doanh được thông qua và đơn hàng được xác nhận, tôi đề nghị FLC và Airbus ký biên bản ghi nhớ về việc hợp tác mua 24 máy bay A321NEO trị giá 3 tỷ USD phục vụ hoạt động của Bamboo Airways”, ông Jean-François Laval đề nghị.

Ông Đặng Tất Thắng, Tổng giám đốc Bamboo Airways - đánh giá cao sự hỗ trợ của Airbus trước tiến trình xin cấp phép của Bamboo Airways, và mong muốn hai bên nhanh chóng đi đến ký kết các thỏa thuận để sớm xúc tiến việc bàn giao máy bay. 
FLC và Airbus đạt thỏa thuận về việc mua 24 máy bay A321NEO trị giá 3 tỷ USD.
Công ty TNHH Hàng không Tre Việt (Viet Bamboo Airlines), có vốn điều lệ 700 tỷ đồng, là công ty sở hữu đối với hãng hàng không Bamboo Airways được thành lập năm 2017, là công ty thành viên của Tập đoàn FLC.

Bamboo Airways hướng tới khai thác các tuyến bay thẳng từ quốc tế tới các điểm du lịch Việt Nam, bao gồm các địa phương có dự án của FLC, như Quy Nhơn, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Phú Quốc, Nha Trang… Bên cạnh đó là các đường bay trong nước, kết nối các điểm du lịch như đường bay Thanh Hóa - Quy Nhơn, Thanh Hóa - Phú Quốc, Thanh Hóa - Nha trang, Hải Phòng - Quy Nhơn....

Chiến lược này vừa nhằm làm giảm áp lực cho cơ sở hạ tầng hàng không tại các thành phố lớn, đồng thời tăng cường liên kết vùng, nâng tầm du lịch Việt Nam trên bản đồ quốc tế.
[/tintuc]

[tintuc]
Trong cuộc trao đổi với nhiều cổ đông tại đại hội cổ đông thường niên năm 2017 diễn ra mới đây tại TP.HCM, Bà Loan cũng khẳng định rằng một khi đối tác ngoại đưa ra những điều khoản "ép" giá thì chắc chắn công ty sẽ không bao giờ bán dự án, thay vào đó sẽ tìm phương án hợp tác đầu tư giữa hai bên.
Thông tin về việc chuyển nhượng dự án Phước Kiển cho Sunny Island đã được công bố từ đầu quý 4/2016. Song đến tận quý 1/2017 Sunny Island mới chính thức chuyển 50 triệu USD đặt cọc theo biên bản thỏa thuận ghi nhớ chuyển nhượng. Nhờ có khoản cọc này Quốc Cường Gia Lai đã tất toán được khoản nợ trị giá 1.352 tỷ đồng cho BIDV.
Sau khi QCG nhân 50 triệu USD từ Sunny Island, trên thị trường có nhiều đồn đoán cho rằng QCG đã chuyển nhượng dự án Phước Kiển cho Sunny Island. Trước thông tin này, bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch HĐQT QCG khẳng định cho đến thời điểm hiện tại, QCG chưa đặt bút ký chuyển nhượng dự án Phước Kiển với Tập đoàn Sunny Land mà chỉ mới đàm phán.
"Phía đối tác yêu cầu QCG phải cam kết những điều khoản hết sức ngặt nghèo nên công ty không dám đặt bút ký hợp đồng chuyển nhượng. Khi QCG nhận 50 triệu đô từ Sunny Land phải cam kết đến tháng 10/2017 hoàn thành đền bù 100%, nếu không sẽ bị phạt 25 triệu đô", bà Loan cho biết.
"QCG đang tiếp tục đàm phán với đối tác này, tuy nhiên QCG cũng đang tạm hoãn công việc cho đến khi Sunny Land trình được thiết kế 1/500. Đặc biệt, khi các thủ tục hai bên chưa thống nhất thì giá chuyển nhượng vẫn chưa chốt mà vẫn thương thảo dựa trên cơ sở họ đặt cọc 50 triệu USD trên cơ sở họ yêu cầu QCG điều chỉnh dự án", bà Loan thông tin.
Như vậy, dự án này Phước Kiển chỉ mới được QCG nhận tiền tạm ứng, còn việc bán hay hợp tác đầu tư thì chưa biết trước được. Cũng theo bà Loan, thời gian qua trên thị trường rộ lên thông tin công ty đã bán hết 100% dự án này cho Sunny Land là hoàn toàn thất thiệt.
Trong cuộc trao đổi với nhiều cổ đông tại đại hội cổ đông thường niên năm 2017 diễn ra mới đây tại TP.HCM, Bà Loan cũng khẳng định rằng một khi đối tác ngoại đưa ra những điều khoản "ép" giá thì chắc chắn công ty sẽ không bao giờ bán dự án, thay vào đó sẽ tìm phương án hợp tác đầu tư giữa hai bên.
"Hiện nay chúng ta đã thông qua phương án phát hành 750 tỷ trái phiếu chuyển đổi trong giai đoạn 2017-2018, cộng với nguồn tiền thu về từ 14 dự án hiện hữu đang bán trên thị trường cũng đủ để đạt được các chỉ tiêu lợi nhuận đề ra", bà Loan cho biết.
Cũng theo bà Loan, trong tay QCG đang có hơn 3.000 tỷ đồng và chỉ cần bỏ thêm một khoản vốn nữa thì sẽ chọn phương án hợp tác với Sunny Land, bởi nhà đầu tư muốn hợp tác với QCG lâu dài trong các dự án thủy điện khác chứ họ không muốn ép để mua toàn bộ dự án.
Dự án Phước Kiển được biết đến là dự án lớn nhất và có quỹ đất lớn nhất của QCG. Song thực tế sau khi triển khai 8 năm ròng rã Công ty vẫn chưa thể hoàn tất khâu pháp lý. Hiện tại dự án Phước Kiển đã đền bù 95% tương ứng 86ha. Tuy nhiên, do diện tích mở rộng khiến tỷ lệ đền bù đến nay giảm về 92%.
Trong số 8% vướng mắc còn lại có 4% là do người dân đòi giá đền bù quá cao, nên vẫn đang trong quá trình thương lượng. 4% còn lại là đất công nhưng đất này nhiều năm trước đó đã bị chiếm dụng bởi người dân nên hiện QCG gặp nhiều khó khăn để đền bù diện tích đất này. Được biết, để giải tỏa phần đất này người dân đòi định cư tại khu Nhà Bè, theo đó QCG hiện đang đàm phán mua lại đất tại khu Nhà Bè để đền bù, hiện công ty đã mua được khoảng 70%.
"QCG đã phải đi mua 1 lô đất gần kề để di dời số hộ dân này đến đó sinh sống theo đúng diện tích hiện hữu của dân trên phần đất thuộc dự án Phước Kiển. Nếu không có sự hỗ trợ của chính quyền địa phương thì QCG không thể nào thực hiện được các công đoạn này nhanh chóng được. Nếu không giải quyết tốt thì QCG phải mất tiền đền bù hai lần, mà đa phần đất này người dân mua hoàn toàn bằng giấy tay", bà Loan cho biết thêm.
[/tintuc]

[tintuc]
Tổng giám đốc Viet Bamboo Airlines cho rằng, hãng hàng không của FLC không hề gây áp lực lên cơ sở hạ tầng của những cảng hàng không đã quá tải như Tân Sơn Nhất, mà sẽ vận chuyển hành khách từ quốc tế đến thẳng các điểm nghỉ dưỡng của FLC.

Mới đây, Tập đoàn FLC vừa gây bất ngờ khi ra quyết định thành lập Công ty TNHH Hàng không Tre Việt (Viet Bamboo Airlines).
Hãng hàng không Tre Việt có vốn điều lệ 700 tỷ đồng, vừa đủ để khai thác 10 tàu bay nếu vận chuyển hàng không quốc tế, hoặc khai thác 30 tàu bay nếu chỉ vận chuyển hàng không nội địa.
Việc FLC lấn sân sang lĩnh vực hàng không diễn ra trong bối cảnh hạ tầng sân bay tại Việt Nam đang quá tải, đặc biệt là sân bay Tân Sơn Nhất. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến hãng hàng không Vietstar Airlines bị từ chối cấp phép cho đến khi Tân Sơn Nhất hoàn thành việc xây dựng thêm nhà ga hành khách và sân đỗ tàu bay.
Vì vậy, có ý kiến lo ngại rằng, Viet Bamboo Airlines sẽ phải đợi rất lâu mới có thể "cất cánh". Tuy nhiên, phía Tập đoàn FLC lại rất tự tin và cho rằng chỉ đến cuối năm 2018, Viet Bamboo Airlines sẽ bắt đầu khai thác bay thương mại.
Cụ thể, theo ông Đặng Tất Thắng, Tổng giám đốc Viet Bamboo Airlines, thay vì tập trung vào các thành phố lớn, vốn có cơ sở hạ tầng hàng không đã trong tình trạng quá tải, Viet Bamboo Airlines sẽ tập trung vào các chuyến bay thẳng từ quốc tế đến các điểm du lịch của Việt Nam, bao gồm các địa phương có dự án của FLC như Quy Nhơn, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Phú Quốc, Nha Trang...
Ông Thắng cho biết, hiện tại 2 sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất đã chiếm tới gần 75% lưu lượng khách, cá biệt sân bay Tân Sơn Nhất đang phải hoạt động tới 110% công suất thiết kế. Nhưng ngược lại, một số sân bay địa phương có tiềm năng du lịch nhưng chưa được khai thác triệt để, như sân bay Phú Quốc mới chỉ hoạt động gần 38% công suất...
Do đó, với các tuyến bay mới nhằm kết nối các địa phương có nhiều tiềm năng du lịch với nhau, ông Thắng cho rằng, hãng hàng không của FLC không những không gây áp lực lên cơ sở hạ tầng của những cảng hàng không đã quá tải, mà còn góp phần khai thác tối đa tiềm năng những địa điểm có hạ tầng hàng không chưa được tận dụng.
Ông Thắng cho biết, FLC đang tiến hành những bước cuối cùng để hoàn thiện đề án thành lập Hãng hàng không. Trong tháng 6 này, FLC sẽ đệ trình lên Cục Hàng không (Bộ Giao thông Vận tải) để xin phê duyệt.
FLC đã và đang làm việc với một loạt các đối tác lớn về việc mua sắm trang thiết bị và đã đi đến giai đoạn ký biên bản ghi nhớ về việc mua máy bay. Số lượng máy bay cụ thể sẽ được trình Cục Hàng không phê duyệt trong tháng 6.
[/tintuc]

[tintuc]
Theo thông tin từ CTCP Tập đoàn Hòa Phát (mã: HPG). Sản lượng thép xây dựng tiêu thụ trong tháng 4 đạt hơn 163.000 tấn. So với tháng 3, sản lượng thép tiêu thụ giảm hơn 10% nhưng nếu so với tháng 4/2016, thép Hòa Phát vẫn có mức tăng trưởng gần 10%. Lũy kế 4 tháng đầu năm, thép Hòa Phát đã cho ra thị trường 668.400 tấn, tương ứng đạt 33,4% kế hoạch năm 2017.
Điểm đáng lưu ý trong những tháng qua, đặc biệt ở miền Bắc, sức mua của thị trường dân dụng luôn ở mức cao so với các năm trước, do vậy sản lượng tiêu thụ vẫn tăng trưởng so với cùng kỳ. Tỷ lệ bán hàng giữa khu vực dân dụng và khu vực dự án tại miền Bắc và miền Trung đang ở mức 60% - 40%.
Đối với thị trường phía Nam, 4 tháng đầu năm, chi nhánh thép Hòa Phát tại thành phố HCM đạt 66.800 tấn, tăng nhẹ so với cùng kỳ. Cơ cấu sản lượng bán hàng của khu vực dân dụng cũng đang tăng lên so với những tháng cuối năm 2016. Nếu trong quý IV/2016, sản lượng tiêu thụ khu vực dân dụng chỉ chiếm khoảng 15-20%, nhưng con số này đã tăng lên xấp xỉ 30% tùy từng thời điểm.
Theo đánh giá của lãnh đạo Công ty, trong khoảng 2 tháng tới, thị trường trong nước khả năng sẽ hấp thụ thép tốt hơn do các đại lý đã dần giải phóng hết hàng tồn kho trước đây.
Về xuất khẩu, trong 4 tháng vừa qua, thép Hòa Phát đã xuất khẩu hơn 63.000 tấn thép thanh và thép cuộn sang các nước Mỹ, Canada, Úc, Campuchia, Lào.
Trong mảng thép xây dựng, Hòa Phát đang đẩy nhanh tiến độ giai đoạn 1, dự án Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất công suất 2 triệu tấn/năm, trong đó ưu tiên hạng mục nhà máy cán thép thanh, thép cuộn chất lượng cao để nâng cao khả năng cung ứng sản phẩm cho thị trường trong và ngoài nước ngay từ năm 2018.
Trong tháng 4 vừa qua, Hòa Phát đã liên tục chốt hợp đồng với các đối tác cung cấp dây chuyền thiết bị, khí công nghiệp hàng đầu thế giới như Danieli (Italia), Messer (Đức) và đang đàm phán với các đối tác khác nhằm mục tiêu hoàn thành lựa chọn các đối tác cung cấp thiết bị, công nghệ chính trong tháng 5/2017.

[/tintuc]

[tintuc]


Tạm tính giá hiện tại 8.200 đồng/cổ phiếu, ông Trịnh Văn Quyết sẽ chi khoảng 82 tỷ đồng để mua số cổ phiếu này.

Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn FLC vừa thông báo đăng ký mua thêm 10 triệu cổ phiếu FLC. Giao dịch dự kiến thực hiện từ 31/3 đến 28/4/2017.
Hiện ông Trịnh Văn Quyết đang sở hữu 114,18 triệu cổ phiếu FLC tương ứng 17,9% vốn điều lệ công ty. Nếu giao dịch thành công ông Quyết sẽ nâng tỷ lệ sở hữu tại FLC lên 19,46%.
Cổ phiếu FLC đã tăng khá mạnh thời gian vừa qua và hiện giao dịch quanh mức giá 8.200 đồng/cổ phiếu. Tạm tính theo giá này, ông Trịnh Văn Quyết sẽ bỏ ra khoảng 82 tỷ đồng để mua được số cổ phiếu đã đăng ký.
[/tintuc]

[tintuc]

VNM hiện có giao dịch khá tích cực khi  tăng 2.000 đồng, VIC cũng tăng nhẹ 300 đồng sau khi giảm khá mạnh vào phiên  hôm qua cũng như sắc xanh tại các cổ phiếu ngân hàng VCB, CTG, MBB, ACB…  đã hỗ trợ không nhỏ cho đà tăng của thị  trường.
Sau ít phút giằng co đầu phiên, thị trường  đã mau chóng lấy lại sắc xanh tăng điểm quen thuộc. Tại thời điểm 10h15’, chỉ số  VnIndex tăng 2,6 điểm (0,37%) lên 718,81 điểm; Hnx-Index tăng 0,2 điểm (0,22%) lên 90,33 điểm và Upcom-Index giảm 0,18 điểm (0,3%) xuống 57,9 điểm.
VNM hiện có giao dịch khá tích cực khi tăng 2.000 đồng, VIC cũng tăng nhẹ 300 đồng sau khi giảm khá mạnh vào phiên hôm qua cũng như sắc xanh tại các cổ phiếu ngân hàng VCB, CTG, MBB, ACB… đã hỗ trợ không nhỏ cho đà tăng của thị trường.
Nhóm cổ phiếu chứng khoán hiện giao dịch khá sôi động với một số mã tăng mạnh, có thể kể tới như SSI, SHS, AGR. Trong khi đó, các cổ phiếu bất động sản, xây dựng nhìn chung giao dịch khá trầm lắng và chỉ lác đác mã tăng điểm.
Bộ đôi HAG, HNG tiếp tục duy trì đà tăng ấn tượng và trong đó, HAG hiện áp sát mốc 10.000 đồng và HNG hướng tới cột mốc 11.000 đồng.
Tuy vậy, các cổ phiếu hàng hóa nguyên liệu như dầu khí, cao su giao dịch không thực sự tích cực khi các loại hàng hóa đồng loạt giảm mạnh trong thời gian gần đây.
[/tintuc]

[tintuc]

FLC đột biến tăng trần và khớp lệnh tới 35,8 triệu đơn vị. Chỉ riêng ROS, FLC và VIC đã có giá trị giao dịch là 1.122 tỷ đồng – chiếm 28% tổng giá trị toàn sàn HOSE. Còn HNX-Index tăng 1,1 điểm với giá trị giao dịch 822 tỷ đồng nhờ ACB.
Vn-Index khép lại phiên giao dịch ngày 21/03 với mức tăng 1,11 điểm và khối lượng giao dịch 232 triệu đơn vị, tương ứng gần 4.500 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận chiếm 510 tỷ đồng. Giao dịch lớn nhất thuộc về EIB với giá trị 165 tỷ đồng.
Đóng góp chính vào sắc xanh của VN-Index là VNM (tăng 1.700 đồng), BID (tăng 650 đồng), VCB (tăng 450 đồng). Về hướng ngược lại, VIC giảm 1.850 đồng và SAB giảm 3.800 đồng. Cùng với VIC, nhiều cổ phiếu bất động sản đã điều chỉnh giảm. Tuy nhiên, FLC đột biến tăng trần và khớp lệnh tới 35,8 triệu đơn vị. Người anh em ROS cũng tăng trở lại 0,8%. Chỉ riêng ROS, FLC và VIC đã có giá trị giao dịch là 1.122 tỷ đồng – chiếm 28% tổng giá trị toàn sàn HOSE.
Nhóm cổ phiếu chứng khoán không có diễn biến khả quan hơn lúc sáng. SSI đóng cửa tại giá tham chiếu 23.000 đồng, HCM, VND và SHS tăng, các mã khác giảm.
Sàn Hà Nội thu hút sự chú ý khi HNX-Index tăng tới 1,1 điểm nhờ mức tăng tới 1.100 đồng của ACB. Khối lượng giao dịch vọt lên 55,5 triệu đơn vị tương ứng 822 tỷ đồng trong khi thỏa thuận chỉ có 64 tỷ đồng. Riêng ACB có giá trị giao dịch tới 262 tỷ đồng. Cổ phiếu này cũng được thỏa thuận nhiều tại giá sàn.
Kết thúc phiên sáng, VN-Index chỉ còn tăng 0,3 điểm lên 715,4. Khối lượng giaodichj đạt gần 125 triệu đơn vị tương ứng gần 2.400 tỷ đồng. FLC tăng 4%, khớp lệnh hơn 17,5 triệu đơn vị. Đứng thứ 2 là HQC với hơn 9,2 triệu đơn vị. Lọt vào top 5 về thanh khoản sàn HOSE chỉ có 1 bluechips là BID.
Cổ phiếu ngân hàng vẫn giữ phong độ tốt, dẫn đầu là BID. Về phía cổ phiếu chứng khoán, SSI và HCM đã hồi phục và tăng nhẹ trở lại. Khối ngoại giao dịch vô cùng sôi động ở SSI với khối lượng mua là 1,1 triệu đơn vị và khối lượng bán là 2,1 triệu đơn vị. Áp lực bán của khối ngoại có lẽ là lực cản đối với sức tăng của cổ phiếu này, và khối nội tiếp tục là lực mua vào đỡ giá. Ngoài ra, khối ngoại vẫn tiếp tục mua ròng khá mạnh HPG, MSN và VNM.
Cổ phiếu khiến cho VN-Index không tăng mạnh chính là VIC và SAB. 2 ông lớn đều giảm sâu.
Về phía cặp đôi bánh kẹo Hải Hà và Hữu Nghị là HHC và HNF, đã rơi vào 2 trạng thái đối lập. HHC vẫn dư mua trần hơn 13,2 triệu cổ phiếu còn HNF đã giảm sàn, khớp lệnh hơn 6 triệu đơn vị.


Các chỉ số đồng loạt mở cửa trong sắc xanh. VN-Index tăng gần 3 điểm nhờ sức kéo của cổ phiếu ngân hàng như VCB tăng 250 đồng, CTG tăng 300 đồng và BID tăng 300 đồng. Các cổ phiếu ngân hàng khác (ngoại trừ VIB và SHB) đều tăng giá. BID hiện đang đứng đầu về thanh khoản trên HSX với hơn 3,6 triệu cổ phiếu. Tương tự, ACB dẫn đầu về thanh khoản trên HNX với 3,4 triệu đơn vị và tăng 500 đồng.
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu ngành chứng khoán lại điều chỉnh giảm. SSI vẫn thu hút dòng tiền khá mạnh nhưng đến gần 10h mới xuất hiện giá xanh, lệnh mua vẫn chỉ đặt giá đỏ.
Về phía nhóm cổ phiếu bất động sản, sắc đỏ cũng chiếm chủ yếu nhưng có một số cổ phiếu vẫn vượt lên, như NVL, DPG, DIG, ITA, DXG… Các cổ phiếu xây dựng thì tỏ ra rất khỏe. HBC tăng 800 – 10.000 đồng, CTD tăng 2.500 đồng, ROS cũng tăng 500 đồng còn VCG tăng nhẹ 100 đồng.
Nhóm dầu khí có phần khởi sắc với sắc xanh tại GAS, PVD, PGS… còn nhóm cao su lại chìm trong trạng thái giảm giá. Cổ phiếu thép dẫn đầu là HPG, HSG giao dịch khá tích cực. Chỉ có VIS và VGS giảm. Về phía nhóm mía đường, BHS và LSS tăng nhẹ, SLS giảm.
Tính đến 9h50, VN-Index thu hẹp mức tăng còn 1,7 điểm và khối lượng hơn 41 triệu đơn vị tương ứng 945 tỷ đồng. HNX-Index tăng 0,66 điểm với thanh khoản hơn 200 tỷ đồng.
[/tintuc]

[tintuc]

NT2, BHS, SBT là 3 cổ phiếu mới nhất được thêm vào rổ của quỹ FTSE Vietnam Index trong lần đảo danh mục cuối cùng của năm 2015.
Chiều ngày 4/12, FTSE chính thức công bố danh mục FTSE Vietnam Index. Theo đó, trong kỳ đảo danh mục cuối cùng của năm, 3 cổ phiếu NT2, SBT, BHS đã được thêm vào danh mục FTSE Vietnam Index.
Đối với danh mục của FTSE Vietnam Allshare có 10 cổ phiếu mới được thêm là HNG, NT2, CTD, NCT, SBT, VSC, PGD, BHS, TSC, SKG. Hai cổ phiếu bị loại là SJC và HT1.
Như vậy, trong danh mục của FTSE đã có 21 cổ phiếu của Việt Nam: VIC, MSN, HPG, VCB, SSI, PVD, STB, DPM, HAG, BVH, KDC, KBC, ITA, FLC, TTF, PVT, HVG, PDR, NT2, SBT, BHS.
Hiện tại giá trị tài sản ròng của quỹ FTSE đạt gần 356 triệu USD, giá mỗi chứng chỉ quỹ đạt 22,55 USD.

Trong kỳ đảo danh mục đầu tháng 9, 3 cổ phiếu được FTSE thêm là BID, TTF và PDR. Tuy nhiên ngay sau khi thêm vào quỹ này đã ra thông báo loại cổ phiếu BID ra khỏi danh mục do những sai sót về dữ liệu. Đây là điều chưa từng có trên thị trường chứng khoán Việt Nam và ảnh hưởng không nhỏ đến nhà đầu tư đã chạy đua mua vào cổ phiếu BID với giá cao vì nghĩ rằng FTSE đã thêm vào rổ tính.
[/tintuc]

[tintuc]

Nhu cầu đón đầu Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương là động lực để doanh nghiệp tìm vốn, trong khi cổ phiếu ngành may cũng được đánh giá cao trước lợi ích mà TPP mang lại.
Thông tin về việc hàng loạt doanh nghiệp trong ngành rục rịch kế hoạch lên sàn được Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam - Vũ Đức Giang chia sẻ tại một hội thảo diễn ra cuối tuần trước. Những cái tên được nhắc tới gồm May 10, Việt Tiến, Nhà Bè, Đức Giang, Hoà Thọ… Trong đó, Việt Tiến dự kiến hoàn tất thủ tục vào tháng 12 để niêm yết với mã VGG, trong khi May 10 sẽ sử dụng mã M10.
Trước những tên tuổi này, 2 sàn chứng khoán Hà Nội và TP HCM từng có gần 10 doanh nghiệp dệt may niêm yết, với những cổ phiếu khá quen thuộc với giới đầu tư như TCM, TNG, KMR, STK, GIL... Gần đây nhất vào đầu tháng 9, một đại diện khác là Công ty Dệt may G.Home cũng chính thức niêm yết với mã chứng khoán G20. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thế Minh, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC), số lượng nêu trên vẫn còn rất nhỏ bé so với quy mô khoảng 5.000 doanh nghiệp trong ngành.
Việc doanh nghiệp dệt may chộn rộn với những kế hoạch niêm yết thời gian gần đây được lý giải do nhu cầu vốn phát triển để đón đầu các hiệp định thương mại tự do, nhất là Hiệp đinh Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Việt Nam vừa hoàn tất đàm phán. Theo đó, thuế suất đối với các sản phẩm dệt may của doanh nghiệp trong nước sẽ giảm về 0% tại một loạt thị trường lớn như Mỹ, Nhật, Canada... song yêu cầu chặt chẽ "từ sợi" cũng đòi hỏi các nhà sản xuất phải phát triển đầy đủ chuỗi cung ứng nội địa.
Trao đổi với VnExpress, ông Nguyễn Văn Hách - Chủ tịch  HĐQT G.Home cho biết mục tiêu của doanh nghiệp khi lên sàn là trở thành cái tên hàng đầu trong ngành, thông qua việc huy động vốn để đầu tư vào sản xuất nguyên phụ liệu, đặc biệt là bông. Đơn vị này đã có kế hoạch đầu tư nhà máy bông phía Nam trong năm nay hoặc đầu năm 2016, cũng như nhà máy vải không dệt tại Phú Thọ...
Theo ông Đặng Trần Hải Đăng - Phó phòng Nghiên cứu - phân tích của VietinBankSc, dệt may thế giới đang có xu hướng dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc và chuyển sang đầu tư ở các nước ASEAN: Việt Nam, Campuchia… Do đó, dư địa cho ngành này bứt phá là rất lớn. Các doanh nghiệp cũng vì thế mà liên tục đẩy mạnh các hoạt động đầu tư, nhằm gia tăng năng lực sản xuất, hoàn thiện chu trình từ đó nâng cao giá trị gia tăng và xây dựng hệ thống bán lẻ để khai thác thị trường nội địa. Mặt khác, nhiều doanh nghiệp đã và đang da dạng hóa nguồn nguyên phụ liệu, giảm sự lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Với những chuyển biến này, nhu cầu vốn của doanh nghiệp được đánh giá là rất lớn, trong khi việc họ lên sàn cũng mang lại hàng hóa mới và không ít cơ hội cho nhà đầu tư.
"Khi TPP hoàn tất đàm phán hồi đầu tháng 10, các cổ phiếu dệt may lập tức tăng điểm mạnh nhưng không thể tạo ra được một con sóng lớn trên thị trường. Song tới đây, khi hàng loạt các doanh nghiệp lớn niêm yết, cổ phiếu ngành này sẽ rất sôi động, có thể kỳ vọng ngang ngửa với các nhóm cổ phiếu ngân hàng hay dầu khí", ông Nguyễn Thế Minh nhận định.
Chia sẻ quan điểm, ông Trần Ngọc Sơn - Giám đốc Chiến lược thị trường tại Công ty chứng khoán MB cũng cho rằng trong trung và dài hạn các nhóm cổ phiếu dệt may chắc chắn sẽ được nhà đầu tư săn đón, khi được hưởng lợi lớn cùng lúc từ các FTA mà Việt Nam với Hàn Quốc, Liên minh kinh tế Á - Âu, EU, Cộng đồng kinh tế ASEAN và TPP.
Riêng trong năm 2015, các chuyên gia này cho biết hầu hết các doanh nghiệp dệt may đều kín đơn hàng, giá nguyên phụ liệu đầu vào giảm giúp họ cải thiện biên lợi nhuận. Hiện nay, dệt may Việt Nam cũng đã sản xuất và xuất khẩu được 5 mặt hàng mũi nhọn: Quần áo, sợi các loại, vải, nguyên phụ liệu, vải kỹ thuật dùng để làm đường hay làm lốp ôtô…
Nói về triển vọng ngành, Chủ tịch Hiệp hội - Vũ Đức Giang cho hay, ngay cả khi chưa có TPP ngành dệt may đã luôn bứt phá khi tốc độ tăng trưởng luôn đạt trung bình 17-18% một năm. Dự báo toàn ngành sẽ tăng trưởng trung bình 25% khi TPP có hiệu lực. Hiện nay, tỷ lệ nội địa hoá trong sản phẩm đã đạt trung bình 50% và mục tiêu trong 3 năm tới sẽ tăng lên 70%.
"Trên thực tế dệt may khi chưa có TPP đã thu hút rất mạnh các dòng vốn đầu tư nước ngoài. Chỉ trong 9 tháng đầu năm, ngành dệt may đã thu hút tới 3,5 tỷ USD rồi", ông Giang nói và khẳng định khi doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư sẽ tạo điều kiện hoàn thành chuỗi cung ứng dệt may, tăng tỷ lệ nội địa hoá, cùng hưởng lợi từ quá trình hội nhập.
Theo chiến lược phát triển ngành dệt may từ 2018-2040, Việt Nam sẽ là công xưởng dệt may của khu vực, có ảnh hưởng toàn cầu chỉ đứng sau Trung Quốc. "Chính phủ đặt mục tiêu cho ngành dệt may đến năm 2020 giá trị xuất khẩu phải đạt 30 tỷ USD, năm 2030 xuất khẩu 64-67 tỷ USD, nhưng chúng tôi dự kiến năm nay đã đạt 28 tỷ USD, vượt kế hoạch 5 năm. Dự kiến đến năm 2020 xuất khẩu có thể đạt 50-55 tỷ USD hoặc có thể hơn.", ông Giang nói.
Theo đó, hiện hàng loạt các khu công nghiệp dệt may lớn đang được xây dựng nhằm đón đầu xu hướng này. Đáng chú ý tỉnh Nam Định sẽ trở thành tâm điểm của ngành dệt may với 3 khu công nghiệp dệt may là Bảo Minh, Rạng Đông và khu đất đang đàm phán mua lại của Vinashin.
Tuy nhiên, ông Giang cũng nói rõ 3 thách thức lớn nhất của ngành dệt may cần khắc phục là chất lượng nguồn nhân lực, hoàn thiện chiến lược quy hoạch ngành đến năm 2040 trong đó vấn đề nan giải là tự chủ nguồn nguyên phụ liệu, và vấn đề bảo vệ môi trường. Theo đó, ông Giang kiến nghị lên Chính phủ sớm triển khai quy hoạch các khu vực lớn tại 3 miền Bắc - Trung - Nam để kêu gọi và thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào lĩnh vực sản xuất vải, bao gồm cả dệt, nhuộm và hoàn tất.
[/tintuc]

[tintuc]


SIC muốn mua  300.000 cổ phiếu Vinamilk.

Thông tin trên vừa được Công ty TNHH một thành viên Đầu tư SCIC (SIC), công ty con của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thông báo trên Sở giao dịch chứng khoán TP HCM.
Trước đó, đơn vị này hầu như không nắm vốn của FPT và Vinamilk. Nếu giao dịch thành công, SIC sẽ nâng tỷ lệ sở hữu tại hai doanh nghiệp lên lần lượt 0,12% và 0,025% vốn điều lệ. Thời gian dự kiến thực hiện từ 1/12-30/12/2015, theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận nhằm mục tiêu đầu tư tài chính.
Trước đó, Chính phủ đã có văn bản yêu cầu SCIC thoái hết vốn tại 10 doanh nghiệp, trong đó có Công ty Sữa Việt Nam - Vinamilk (mã CK: VNM) và Công ty Cổ phần FPT (Mã CK: FPT), hai đơn vị lần lượt có 25 triệu (tương đương 6% vốn) và 541,2 triệu cổ phiếu (45,1%) thuộc sở hữu của SCIC. Tuy nhiên, hiện Tổng công ty vẫn đang trong quá trình rà soát danh mục, xác định lộ trình và phương thức thoái vốn để đạt lợi ích cao nhất. Nguồn tiền thu được từ bán vốn sẽ được dùng cho chi đầu tư phát triển trong bối cảnh nguồn thu năm 2015-2016 gặp khó khăn.
[/tintuc]