TPForex

[tintuc]

Evergrande từng là một trong những tập đoàn bất động sản lớn trên thế giới. Tuy nhiên, "nguy cơ vỡ nợ" hơn 300 tỷ USD đang khiến cho tập đoàn này rơi vào thảm cảnh chưa từng có, khả năng gay ra những lo ngại tác động tiêu cực lên nền kinh tế trong mước và toàn cầu.

Evergrande được thành lập năm 1996 bởi sự điều hành của ông Hui Ka Yan là chủ tịch và cũng là tỷ phú. Tập đoàn phát triển trong 10 năm qua và trở thành nhà phát triển bất động sản lớn thứ 2 Trung Quốc. Năm 2009, công ty niêm yết cổ phiếu trên sàn Hong Kong, tăng quy mô tài sản lên 355 tỷ USD. Điều đáng chú ý đằng sau "nguy cơ vỡ nợ" của Evergrande đó là các khoản vay đóng gói thành các sản phẩm quản lý tài sản (WMP). Người cho vay đã được tập đoàn này hứa hẹn với lợi suất đến 12%, thậm chí họ được câu kéo bằng các món quà như túi Gucci đắt tiền. Tuy nhiên, giờ đây, nhiều người như ngồi trên lửa vì họ lo sẽ không thể nhận lại được số tiền đã đầu tư cho tập đoàn này.

Theo Reuters, nỗi lo với Evergrande tăng lên sau khi công ty thừa nhận hồi tháng 6 về việc không trả một số khoản nợ đúng hạn. Thậm chí, tới tháng 7, có tin tức cho biết một toà án ở Trung Quốc phong toả khoản tiền gửi ngân hàng 20 triệu USD của tập đoàn này theo yêu cầu của ngân hàng. Nguyên nhân của "bom nợ" chính là sự mở rộng nhanh chóng của Evergrande. Tập đoàn đi vay để mua đất, bán căn hộ nhanh chóng mặc dù tỷ suất lợi nhuận thấp.

Bên cạnh đó, Reuters dẫn báo cáo ổn định tài chính năm 2018 của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc nhấn mạnh các công ty gồm có cả Evergrande gây ra rủi ro hệ thống cho hệ thống tài chính của quốc gia. Theo bức thư tập đoàn này gửi tới Chính phủ Trung Quốc hồi cuối năm 2020, báo cáo của công ty đưa ra cho thấy, khoản lãi phải của công ty lên đến 571,8 tỷ nhân dân tệ hồi cuối tháng 6, con số này đã giảm so với mức 716,5 tỷ nhân dân tệ hồi cuối năm 2020 sau nỗ lực cố gắng trả nợ

Theo tờ Diplomat, đại dịch Covid-19 đang khiến nền kinh tế Trung Quốc một lần nữa phải đối mặt với nguy cơ vỡ nợ. Chỉ trong nửa đầu năm 2021, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đã có 25 tập đoàn vỡ nợ với tổng trị giá các khoản tín dụng lên đến 10 tỷ USD, con số cao kỷ lục. Số liệu này đã làm bất ngờ các nhà đầu tư khi trước đây chính phủ thường cứu trợ những doanh nghiệp lớn nhằm tránh một cuộc sụp đổ hàng loạt.

Bởi vậy khi nhiều công ty quốc doanh như Yongcheng Coal, Huachen Automotive, Tsinghua Unigroup... bị nhà nước cho phá sản năm 2020, các chuyên gia đã lo lắng về khả năng bị cho vỡ nợ hàng loạt của các ông lớn. Thế nhưng, mọi chuyện đã không diễn ra như dự đoán với trường hợp của quỹ Huarong Asset Management, một trong 4 quỹ đầu tư quốc doanh. Vào tháng 4/2021, quỹ Huarong bất ngờ tuyên bố hoãn công khai báo cáo tài chính thường niên và phải mất 4 tháng sau đó họ mới tiết lộ. Kết quả cho thấy lợi nhuận của Huarong đã giảm tới 90% do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và nguy cơ phá sản đang cận kề. Tưởng chừng như Huarong sẽ trở thành một Lehman Brother thứ 2 ở Trung Quốc khi vỡ nợ và gây ra khủng hoảng toàn diện thì chính phủ Trung Quốc ra tay, trái ngược với động thái mặc kệ doanh nghiệp phá sản trong nửa đầu năm. Sau nhiều tháng bàn bạc, một khoản cứu trợ của Citic Group cùng các nhà đầu tư quốc doanh với tổng trị giá 7,7 tỷ USD đã được tung ra. Như vậy kể từ làn sóng vỡ nợ năm 2020, đây là lần đầu tiên một tập đoàn lớn được nhà nước cứu trợ, qua đó minh chứng cho câu chuyện "quá lớn để thất bại"

Kỳ vọng của nhà đầu tư đối với Evergrande liệu có thành hiện thực? 
Giờ đây khi Huarong đã được cứu, các nhà đầu tư bắt đầu hướng sự chú ý của mình vào Evergrande với khối nợ lên đến hơn 300 tỷ USD. Các khoản nợ đáo hạn dồn dập đã khiến Evergrande phải cầu cứu chính phủ. Đáp lại, chính quyền Bắc Kinh đã yêu cầu tập đoàn này bán bớt tài sản cũng như cho phép đàm phán giãn nợ.

ông Zhang Yuanlin -chủ tịch Tập đoàn Sinic Holdings
Tài sản của ông Zhang Yuanlin chủ tịch Tập đoàn Sinic Holdings, trụ sở tại Thượng Hải đã bị 'bốc hơi' hơn 1 tỉ USD, trong bối cảnh thị trường lo ngại về nguy cơ sụp đổ của Evergrande gã khổng lồ bất động sản Trung Quốc. Theo tạp chí Forbes, giá trị tài sản ròng của ông Zhang Yuanlin đã nhanh chóng giảm từ mức 1,3 tỉ USD ghi nhận trong sáng 20-9, xuống chỉ còn 250,7 triệu USD trong chiều cùng ngày. Diễn biến trên xảy ra trong bối cảnh tập đoàn của ông buộc phải tạm ngừng giao dịch trên sàn Hong Kong, sau khi giá cổ phiếu lao dốc tới 87% trong phiên chiều 20-9.Ông Zhang từng có tên trong danh sách các tỉ phú giàu nhất thế giới năm 2021 do Forbes xếp hạng. Thu nhập của ông chủ yếu đến từ việc kinh doanh các tòa nhà cao tầng. Tuy nhiên, tập đoàn của ông cũng đang không thể tránh khỏi bị ảnh hưởng sau sự sụp đổ của "gã khổng lồ" bất động sản Trung Quốc Evergrande.Theo Hãng tin Bloomberg, cổ phiếu của Tập đoàn Sinic Holdings đột ngột bị bán tháo rất mạnh trong chiều 20-9, với khối lượng giao dịch cao gấp khoảng 14 lần so với mức trung bình trong một năm gần đây.

Nhận định của các chuyên gia tài chính quốc tế
Bà Jenny Zeng, chuyên gia của Công ty quản lý tài sản toàn cầu AllianceBernstein (trụ sở New York – Mỹ) mới đây đã đưa ra lời cảnh báo cho toàn bộ thị trường bất động sản của Trung Quốc. Theo đó, chuyên gia này cho rằng, một lượng lớn các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc đang trong tình trạng "khủng hoảng nghiêm trọng" và "không thể trụ nổi" nếu các kênh tái cấp vốn tiếp tục bị đóng thêm một quãng thời gian dài.

Chuyên gia Simon MacAdam của Công ty Capital Economics (trụ sở London – Anh) lại cho rằng, sự sụp đổ của tập đoàn Evergrande sẽ ít có tác động toàn cầu, ngoài một số bất ổn thị trường.

Mark Williams, kinh tế trưởng khu vực châu Á tại Capital Economics cũng cho rằng, sự sụp đổ của Evergrande sẽ là thử thách lớn nhất mà hệ thống tài chính của Trung Quốc phải đối mặt trong nhiều năm. Trong thời kỳ thị trường bùng nổ, Evergrande đã vay nợ vô tội vạ để phát triển hàng loạt dự án cả trong và ngoài ngành bất động sản. Thế nhưng đại dịch Covid-19 đã khiến tiến độ dự án chững lại trong khi thị trường cũng chịu ảnh hưởng nặng, qua đó tác động đến khả năng thanh khoản của Evergrande. Các khoản nợ đáo hạn dồn dập đã khiến Evergrande phải cầu cứu chính phủ. Đáp lại, chính quyền Bắc Kinh đã yêu cầu tập đoàn này bán bớt tài sản cũng như cho phép đàm phán giãn nợ.

Theo tờ Diplomat, động thái này sẽ khiến 1,2 triệu người Trung Quốc phải chờ đợi thêm để lấy nhà, hoặc thậm chí là sẽ chẳng bao giờ đợi được vì dự án bị đình trệ. Tệ hơn, việc các nhà cung ứng bị nợ thanh toán cũng khiến vô số người mất việc làm nếu Evergrande phá sản. Việc Evergrande phá sản sẽ khiến giá nhà đi xuống, làm giảm tài sản và qua đó ảnh hưởng đến cả thị trường tiêu dùng lẫn đầu tư. Cho đến thời điểm hiện tại, hiện vẫn chưa rõ vụ việc Evergrande sẽ được giải quyết như thế nào nhưng tờ Diplomat khẳng định Trung Quốc sẽ không để vụ việc này ảnh hưởng quá nặng đến nền kinh tế, nhất là khi họ đang phải đối mặt với tình hình dịch bệnh.
[/tintuc]

[tintuc]
Reuters hôm qua đưa tin Nhà Trắng đã thông báo với các cơ quan liên bang về nguy cơ chính phủ đóng cửa một phần nếu ngân sách chi tiêu không được thông qua trước hạn chót vào ngày 30.9, ngày cuối cùng của năm tài chính. Trong tháng 10, nước Mỹ cũng có nguy cơ lần đầu tiên vỡ nợ nếu trần nợ công hiện nay là 28.400 tỉ USD không được điều chỉnh hoặc tạm dỡ bỏ việc giới hạn mức trần. Hồi đầu tuần này, Hạ viện đã thông qua dự luật cấp ngân sách cho chính phủ, hoãn giới hạn trần nợ công.

Thế nhưng, đảng Cộng hòa tại Thượng viện từ chối ủng hộ dự luật này, bất chấp nguy cơ xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính. Lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell nói rằng đảng Dân chủ đang nắm quyền kiểm soát Nhà Trắng và quốc hội nên việc giải quyết vấn đề là của họ. Thực tế, với việc hai đảng đang nắm giữ số ghế cân bằng 50-50 tại Thượng viện, đảng Dân chủ sẽ gặp rất nhiều khó khăn để có thể tìm được sự ủng hộ của 10 nghị sĩ đảng Cộng hòa nhằm vượt qua thủ tục trì hoãn. 

Theo AP, các lựa chọn khác để thông qua dự luật nâng trần nợ công có thể sẽ khó khăn về mặt thủ tục. Việc nâng trần nợ công hoặc tạm hoãn giới hạn trần nợ không giúp chính phủ phê chuẩn thêm các khoản chi tiêu mới nhưng cho phép Bộ Tài chính chi trả cho các khoản nợ tích lũy từ các chương trình đã được chính quyền thông qua trước đó. Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Jerome Powell mới đây nói rằng việc quốc hội nâng mức trần nợ đúng thời gian là điều rất quan trọng và cảnh báo ngân hàng trung ương không đảm bảo việc bảo vệ toàn bộ nền kinh tế hoặc thị trường tài chính trong trường hợp nước Mỹ vỡ nợ.

1. Nguyên nhân
Nói một cách đơn giản do chính phủ hết tiền nên đóng cửa, nghĩa là việc chính phủ liên bang phải tạm đóng cửa vì hết tiền do không được Quốc hội lưỡng viện thông qua ngân sách hoạt động mới. Nhìn chung, “đóng cửa chính phủ” là biện pháp các chính quyền liên bang cũng như tiểu bang và chính quyền địa phương thuộc ngành hành pháp Mỹ thường sử dụng, để đối phó với các cơ quan có quyền chuẩn chi ngân sách chi tiêu hàng năm (Quốc hội, hội đồng thành phố…) đã không đáp ứng những yêu cầu chi tiêu tài chính của họ đề ra.

Nếu 2 viện Quốc hội cho rằng các chính sách công của chính phủ có vấn đề, và việc phân bổ ngân sách hiện tại không hiệu quả, họ đều có quyền phủ quyết ngân sách chính phủ đưa ra. Ngược lại, chính phủ cũng có thể đóng cửa như là một công cụ áp lực khi đàm phán với Quốc hội để yêu cầu cơ quan này chấp thuận các dự toán tài chính của mình.

2. Hậu quả
Việc đóng cửa chính phủ không phải toàn bộ cơ quan chính phủ liên bang sẽ nghỉ không làm việc. Chỉ những cơ quan được coi là phụ, không quan trọng mới được xem xét tạm dừng hoạt động. Các cơ quan thiết yếu khác thực hiện chức năng căn bản và các bộ phận tối quan trọng của chính phủ liên bang, như Bộ An ninh Nội địa hay FBI vẫn được duy trì. Những nhân viên các cơ quan này tiếp tục làm việc bình thường, nhưng có thể họ sẽ không được thanh toán đúng hạn tiền lương cho những ngày làm việc này. Tuy nhiên, việc đóng cửa chính phủ ở Mỹ đã đưa đến hậu quả khá nghiêm trọng về nhiều mặt. 

Việc này kéo theo các hậu quả dây chuyền khác, như công việc bị đình trệ dẫn đến các hiện tượng tiêu cực trên các lĩnh vực chịu ảnh hưởng (như rác tràn lan trên công viên gây ô nhiễm môi trường, các nơi tham quan bị đóng cửa làm thất thu ngân sách, an ninh trật tự bị đe dọa vì thiếu nhân lực bảo vệ an ninh công cộng…).
[/tintuc]

[tintuc]

Fed giữ nguyên lãi suất
Lộ trình tháo gỡ các gói kích thích có thể bắt đầu khá sớm
Vào sáng ngày thứ Năm (giờ Việt Nam), Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định giữ nguyên lãi suất đúng như dự báo của thị trường. Bên cạnh đó, cơ quan này còn cho biết sẽ sớm bắt đầu tháo gỡ các chương trình kích thích khổng lồ mà Fed đã thực hiện để thúc đẩy nền kinh tế trong bối cảnh khủng hoảng, CNBC cho hay.
Sau cuộc họp chính sách 2 ngày, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) đã công bố một báo cáo bao gồm thông tin cho thấy rằng họ sẽ hành động vào tháng 9/2017. Vào thời điểm này, Fed sẽ bắt đầu quá trình thu hẹp số dư 4.5 ngàn tỷ USD trên bảng cân đối kế toán, chủ yếu là các trái hiếu mà cơ quan này đã mua vào để kích thích và thúc đẩy kinh tế trong những năm sau khủng hoảng.
“Ủy ban dự kiến bắt đầu thực hiện chương trình bình thường hóa bảng cân đối kế toán tương đối sớm với điều kiện nền kinh tế diễn biến đúng như kỳ vọng”, trích dẫn trong báo cáo sau cuộc họp.
Cụm từ “tương đối sớm” là mấu chốt của tuyên bố trên. Những nhà theo dõi Fed đã trông chờ từ ngữ của báo cáo sẽ thay đổi từ cụm “năm nay” – cụm từ đã xuất hiện trong tuyên bố sau cuộc họ tháng 6/2017.
Nỗ lực giảm bớt số dư trên bảng cân đối kế toán sẽ được thực hiện bằng cách cho phép thoái vốn một lượng giới hạn mỗi tháng. Phần còn lại sẽ được tái đầu tư như thường lệ. Chương trình sẽ bắt đầu ở mức thoái vốn là 10 tỷ USD/tháng và sau mỗi 3 tháng, sẽ tăng thêm cho đến khi đạt mức 50 tỷ USD. Các quan chức Fed ước tính một khi chương trình này được thực hiện theo lộ trình của họ, số dư trên bảng cân đối sẽ chỉ còn trên 2 ngàn tỷ USD.
Chủ tịch Janet Yellen và một số quan chức khác cho rằng việc tháo gỡ số dư trên bảng cân đối kế toán không nên gây gián đoạn thị trường.
“Sẽ rất khó để không gây ra gián đoạn trên các thị trường phần nào đó khi họ bắt đầu tháo gỡ bảng cân đối kế toán”, JJ Kinahan, Truởng bộ phận chiến lược thị trường tại TD Ameritrade, cho hay. “Tuy nhiên, nên nhớ họ đã hỗ trợ thị trường trong 9 năm qua. Họ đã thực hiện quá tốt nhiệm vụ minh bạch thông tin. Việc minh bạch sẽ giúp mọi thứ diễn ra suôn sẽ hết mức có thể”.
Fed đã gia tăng số dư trên bảng cân đối kế toán trong một nỗ lực nhằm cứu vớt nền kinh tế vốn đang đứng trên bờ vực sụp đổ khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu xảy ra.
Ryan Detrick, Chiến lược gia thị trường cấp cao, cho hay: “Sự thât là điều này đã được truyền tải trong thời gian quá dài, chúng tôi nghĩ điều này sẽ không gây bất kỳ sự gián đoạn nào”.
Cùng với hoạt động mua vào trái phiếu, Fed đã giữ lãi suất chuẩn gần mức 0 cho đến tháng 12/2015, khi họ bắt đầu lộ trình nâng lãi suất từ từ. Hiện lãi suất chuẩn đang ở mức 1-1.25% sau 4 đợt nâng lãi suất./.
[/tintuc]

[tintuc]

Ngày càng có nhiều thành viên trong FOMC ủng hộ tăng lãi suất, do đó bà Yellen khó có thể tiếp tục chiêu bài trì hoãn tăng lãi suất như trước”, Roberty Perli - cựu chuyên gia kinh tế tại Fed, hiện đang là hội viên của Cornerstone Macro LLC nhận định."

Trong phiên họp 2 ngày vào 20-21/9, FOMC đã bỏ phiếu 7-3 cho quyết định giữ lãi suất không thay đổi. Báo cáo phiên họp được tung ra ngày hôm qua cho thấy “một vài người” ủng hộ quyết định trì hoãn chính sách thắt chặt nói rằng quyết định này là một “cú thoát chết”. Một vài người khác cũng ra dấu rằng lãi suất sẽ được tăng “sớm”.
Sau khi báo cáo phiên họp được tung ra, biến động giá hợp đồng tương lai giao dịch chứng chỉ quỹ liên bang cho thấy nhà đầu tư đánh giá có khoảng 60% khả năng lãi suất sẽ tăng trong tháng 12. Khả năng lãi suất tăng trong tháng 11 là 17%. Phiên họp tháng 11 sẽ diễn ra trước ngày bầu cử Mỹ 1 tuần.
Báo cáo phiên họp tháng 9 của Fed đã hé lộ một cuộc tranh luận gay gắt về ảnh hưởng của việc giữ lãi suất ở mức siêu thấp đối với thị trường lao động và lạm phát. Trong đó một bên thì cảnh báo việc Fed tăng lãi suất vào cuối năm có thể khiến tỷ lệ thất nghiệp giảm sâu nhưng khiến lạm phát tăng cao và kết quả là Fed sẽ phải tiếp tục tăng lãi suất với cường độ mạnh hơn. Lịch sử chứng minh, đường lối này dẫn đến một cơn suy thoái.
Bên còn lại thì lập luận rằng tiếp tục trì hoãn tăng lãi suất có thể giúp những người trước đây từ bỏ tìm việc làm quay trở lại thị trường lao động. Điều này sẽ cho phép tăng trưởng việc làm mà không tăng lương và lạm phát.
Thomas Costerg – nhà kinh tế cấp cao tại Standard Chartered Bank New York nhận định quan điểm của nhóm thứ hai có thể cho thấy thực tế trong suốt năm 2016, các chỉ số thất nghiệp vẫn thấp và tỷ lệ người tham gia (người trong độ tuổi lao động đang làm hoặc đang tìm việc làm) tăng một cách khiêm tốn, ngay cả khi nền kinh tế tạo ra nhiều việc làm hơn.
“Điều bất ngờ lớn nhất ở đây là tỷ lệ người tham gia thị trường lao động tăng. Trước vấn đề này, nhóm có quan điểm ủng hộ lãi suất thấp (bồ câu) nói: Hãy nhìn kìa, ở đây vẫn còn thứ để làm. Còn nhóm có quan điểm "diều hâu" thì bị mất phương hướng một chút. Họ không biết giải thích điều này như thế nào”.
Số liệu trên thị trường lao động giúp nhóm "bồ câu" có được bà Yellen về phía mình. Quan điểm trì hoãn lãi suất trong báo cáo phiên họp tháng 9 lặp lại lời của bà Yellen tại họp báo ngày 21/9 sau khi phiên họp kết thúc. Bà nhấn mạnh rằng tỷ lệ người tham gia trong tháng 9 cho thấy thị trường việc làm vẫn chưa hồi phục hết.
Điều này không có nghĩa là bà Yellen sẽ ngăn cản những người cộng sự của mình tăng lãi suất trong tháng 12.

Perili nhận định quyết định trong tháng 9 có lẽ là một cú “thoát chết” cho bản thân bà Yellen. Bà Yellen có thể đi 2 hàng, “nhưng ở lối thoát hiểm, giống như một vài người khác, bà ấy ỉ vào thế án binh bất động.
[/tintuc]

[tintuc]

Chứng khoán Á, Âu cùng với phố Wall đều giảm điểm mạnh do xác suất Fed nâng lãi suất tăng cao và kết quả kinh doanh đáng thất vọng.


Chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh với chỉ số S&P 500 giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 4 tuần. Thị trường chịu ảnh hưởng tiêu cực từ kết quả kinh doanh đáng thất vọng của các doanh nghiệp trong khi dự đoán Fed sẽ tăng lãi suất trong năm nay khiến nhu cầu về tài sản rủi ro giảm sút.
Kết thúc phiên hôm qua (12/10), chỉ số S&P 500 giảm 1,2%, xuống còn 2.136,73 điểm. Đặc biệt chỉ số này giảm mạnh hơn trong phiên chiều, sau khi rơi xuống dưới mức trung bình 100 ngày.
Chỉ số công nghiệp Dow Jones cũng giảm hơn 200 điểm (tương đương 1,1%), xuống còn 18.128,66 điểm. Nasdaq mất 1,5%.
Trong khi đó lợi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 30 năm chạm mốc cao nhất kể từ tháng 6.
Tất cả 11 nhóm chính của chỉ số S&P 500 đều giảm điểm. Cổ phiếu của hãng nhôm Alcoa giảm mạnh nhất trong 7 năm sau do công bố lợi nhuận thấp hơn dự báo. Các cổ phiếu y tế giảm điểm mạnh nhất và các cổ phiếu hàng hóa cũng bị ảnh hưởng từ đồng USD cao nhất 2 tháng.
Xác suất Fed tăng lãi suất vào tháng 12 đã lên tới 68%, so với mức 50% cách đây 2 tuần, bởi có nhiều số liệu cho thấy nền kinh tế Mỹ đủ khỏe mạnh để đối mặt với chi phí đi vay gia tăng. Phát biểu trước báo giới hôm qua ở Sydney, Chủ tịch Fed Chicago Charles Evans nhận định nâng lãi suất vào tháng 12 là ổn. Trước đó ông khẳng định nên giữ lãi suất ở mức thấp cho đến khi lạm phát lõi tăng lên.
Trong tuần này, thị trường dõi theo các số liệu về doanh số bán lẻ, chỉ số giá sản xuất và niềm tin người tiêu dùng; cộng với biên bản cuộc họp hồi tháng 9 của Fed.
Chứng khoán châu Âu cũng có phiên giảm điểm thứ 4 trong 5 ngày trở lại đây. Chỉ số Stoxx Europe 600 đóng cửa giảm 0,5%. Thị trường châu Âu đang có một khởi đầu tồi tệ cho tháng 10 - tháng mà chứng khoán châu Âu thường tăng điểm.
Đồng bảng Anh tiếp tục giảm mạnh, xuống còn 1,2140 USD đổi 1 bảng và đã giảm 6,4% chỉ trong tháng này. Đang là đồng tiền có diễn biến tệ nhất trên thị trường thế giới kể từ đầu năm đến nay, bảng Anh vẫn tiếp tục bị giới phân tích hạ dự báo.
Vừa mở cửa, thị trường chứng khoán châu Á cũng giảm điểm. Chịu ảnh hưởng từ vụ bê bối liên quan đến sản phẩm mới nhất là điện thoại Galaxy Note 7, cổ phiếu Samsung giảm thêm gần 3% sau khi đã giảm 8% trong phiên hôm qua.
[/tintuc]

[tintuc]

Thứ 3, 11/10/2016,

Sau gần 50 năm duy trì quan điểm độc lập và không ủng hộ ứng viên nào, tờ Foreign Policy tuần này tuyên bố ủng hộ bà Hillary Clinton trở thành tổng thống Mỹ.

Ngay dưới tiêu đề tuyên bố ủng hộ nữ ứng viên của đảng Dân chủ, tạp chí uy tín về các vấn đề quốc tế khẳng định "một nhiệm kỳ tổng thống của Donald Trump là mối đe dọa lớn nhất của Mỹ, ông cũng là ứng viên tồi tệ nhất trong lịch sử của một đảng lớn".
Giải thích về quyết định phá vỡ truyền thống sau gần nửa thế kỷ hoạt động, Foreign Policy nói "chúng tôi có nghĩa vụ phải làm rõ sự nghiêm trọng từ mối đe dọa mà Trump gây ra cho nước Mỹ nếu đắc cử".
"Đó là các tổn hại về kinh tế thế giới, an ninh toàn cầu, đến các đồng minh của Mỹ, cũng như vô số người vô tội khác sẽ trở thành nạn nhân vì sự thiếu kinh nghiệm, quan điểm chính sách lệch lạc, và tính khí vô cùng không phù hợp cho công việc mà ông đang chạy đua để giành lấy", Foreign Policy nhận định.
Đi theo tiêu chí giải thích về "mối đe dọa" Trump, phần lớn nội dung bài viết này của Foreign Policy điểm lại những chính sách và phát ngôn gây tranh cãi của ứng viên đảng Cộng hòa.
Đó là chính sách đối ngoại sai lầm khi không chỉ bỏ qua những yếu tố cơ bản trong đối ngoại mà còn là trách nhiệm của một tổng thống Mỹ với các vấn đề quốc tế; mời Nga can thiệp vào bầu cử; đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân tùy tiện; đe dọa các đồng minh...
Hoặc việc Trump phủ nhận những giá trị cơ bản của nước Mỹ như lòng bao dung và tuân thủ luật pháp; gây kích động bài xích người Hồi giáo; phủ nhận các cảnh báo khoa học về biến đổi khí hậu; gây bất hòa với quân đội bao gồm các tướng lĩnh, binh sĩ, cựu binh và gia đình họ.
"Trump là ứng viên tổng thống tồi tệ nhất mà nước Mỹ từng có", tạp chí kết luận.
Bài viết dành 2 đoạn cuối để ca ngợi bà Hillary Clinton là "một trong những ứng viên xuất sắc nhất kể từ sau Thế chiến 2".
Trước đó, nhiều tờ báo uy tín hàng đầu của Mỹ, bao gồm New York Times, Washington Post, Los Angeles Times... đã tuyên bố ủng hộ bà Clinton đắc cử.
Ngày 30/9, báo USA Today cũng phá bỏ thông lệ trung lập trong các cuộc bầu cử Mỹ suốt 34 năm qua, kêu gọi các cử tri không ủng hộ và không bỏ phiếu cho Donald Trump.
[/tintuc]

[tintuc]


Thứ 2, 10/10/2016

Nhà đầu tư bán tháo các tài sản, từ đồng baht cho đến cổ phiếu và trái phiếu Thái Lan.

Phiên sáng nay (10/10), chỉ số SET Index giảm 2,4%, xuống còn 1.468,63 điểm và có lúc đã giảm đến 3,6%, mạnh nhất trong các thị trường chứng khoán ở châu Á.
Đồng baht giảm 0,4%, xuống còn 35,040 baht đổi 1 USD sau khi chạm đáy 2 tháng. Đồng nội tệ của Thái Lan cũng đang hướng đến chuỗi giảm giá dài nhất kể từ tháng 12/2015.
Lợi suất trái phiếu 10 năm do chính phủ Thái Lan phát hành tăng 6 điểm cơ bản, lên mức 2,27% - cao nhất 3 tuần.
Thị trường diễn biến xấu sau khi có cung điện thông báo các bác sĩ đang theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe của nhà vua Bhumibol Adulyadej. Năm nay 88 tuổi và đã tại vị suốt 7 thập kỷ, nhà vua được nhiều người coi là biểu tượng cho sự thống nhất đất nước. Do đó tin tức này đã ảnh hưởng đến tâm trạng của nhà đầu tư.
Hôm 1/10, cung điện thông báo sức khỏe của nhà vua đã tốt lên sau cơn viêm phổi. Mấy tháng gần đây ông đang trong quá trình điều trị bệnh tràn dịch não.


[/tintuc]

[tintuc]

Thị trường ngoại hối ngày càng mong manh đến nỗi độ ổn định của thị trường được tạo nên bởi thanh khoản giả tưởng. Đó là nhận định của Chris Xiao và Vadim Iaralov – 2 chiến lược gia của Bank of America Merrill Lynch.

Derek Mumford nắm rõ thị trường ngoại hối như lòng bàn tay, nhưng 2 phút đổ vỡ của đồng bảng ngày hôm qua 7/10 là trường hợp ngoại lệ duy nhất cho đến nay.
Chỉ trong vòng 2 phút giao dịch sáng 7/10 tại châu Á, đồng bảng Anh đã giảm hơn 6% - mạnh nhất kể từ sau khi xảy ra sự kiện Brexit, đẩy đồng tiền được giao dịch nhiều thứ 4 thế giới xuống mức thấp nhất 31 năm. Đồng bảng giảm mạnh đến nỗi mà nhiều nhà phân tích, trong đó có Derek Mumford – hiện đang là cố vấn ngoại hối và lãi suất - không thể giải thích được chuyện gì đang xảy ra.
Nhiều người đổ lỗi cho thái độ cứng rắn của Tổng thống Pháp trước sự ra đi của Anh, nhiều người khác đồn thổi đó là do hiệu ứng “ngón tay mập” (hiện tượng bấm nhầm số xảy ra trong thao tác gõ lệnh), tuy nhiên không giải thích nào thỏa đáng.
Mumford, giám đốc tại Rochford Capital Pty Sydney nhận định, những tác nhân giả định hiện nay đối với đồng bảng không thể gây ra một cú sụt giảm đến hơn 6% trong trong vòng 2 phút như vậy được. Trong khi không thể vạch mặt đâu là thủ phạm, Mumford và những người đồng nghiệp của anh đã nhất trí rằng vụ bán tháo có khả năng bị khuếch đại bởi những con robot giao dịch tự động. Chúng có đặc điểm khớp lệnh nhanh hơn tốc độ kiểm chứng của con người. Theo Aite Group – một công ty tư vấn ở Boston, số giao dịch bằng thuật toán tại thị trường ngoại hối trong 3 năm qua đã tăng hơn 3 lần, chiếm khoảng 200 tỷ USD khối lượng doanh thu mỗi ngày.
Từ một đồng tiền có tuổi đời lâu nhất thế giới và vẫn đóng vai trò là đồng tiền dự trữ chính cho đến đầu thế kỷ 20, đồng bảng đã di chuyển giống với đồng tiền của nền kinh tế cận biên - lý do gây nên những cuộc tranh cãi về vai trò của robot giao dịch trong thị trường tiền tệ toàn cầu trị giá 5.100 tỷ USD mỗi ngày. Trước đây thị trường tiền tệ cũng đã chứng kiến 2 lần tương tự khi đồng rand của Nam Phi rơi nhanh hồi tháng 1 và đồng đô New Zealand giảm đột ngột năm ngoái.
Thị trường ngoại hối ngày càng mong manh đến nỗi độ ổn định của thị trường được tạo nên bởi thanh khoản giả tưởng. Đó là nhận định của Chris Xiao và Vadim Iaralov – 2 chiến lược gia của Bank of America Merrill Lynch. Trong khi các yếu tố thanh khoản truyền thống như chênh lệch giữa giá mua và giá bán đã bị thu hẹp, thước đo ảnh hưởng thị trường đối với mọi thương vụ đã tăng lên 60% kể từ năm 2014. Mức độ thường xuyên và độ lớn của những sự kiện biến động bất thường cũng tăng theo.
Mặc dù ngày xảy ra sự kiện Brexit, đồng bảng rơi đến 11% trong ngày giao dịch, giới chuyên gia vẫn cho rằng 2 phút rơi hơn 6% này còn nguy hiểm hơn nhiều. Chỉ rơi trong 2 phút mà không ai có thể dự báo trước, động thái bất chợt này của đồng bảng đã trở thành tiếng chuông hoàn hảo, nhắc nhở nhiều nhà giao dịch về quyết định bỏ trần tỷ giá đối với đồng EUR của NHTW Thụy Sĩ khiến đồng franc tăng hơn 40%.
“Mặc dù không biến động mạnh bằng đợt Brexit, nhưng khối lượng bán tháo thì đột ngột hơn hẳn. Không ai chuẩn bị trước cho điều này”. Matt Simpson – chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại ThinkMarkets Singapore nhận định.
Trong suốt phiên giao dịch, khối lượng giao dịch đồng bảng đã giảm đi đáng kể, nhưng bởi thông tin thị trường vẫn chưa cập nhật nhanh nhạy và tâm lý thị trường im ắng trước khi Mỹ tung ra báo cáo việc làm tháng, một cách may mắn, mức độ biến động vẫn thấp hơn ngày bầu cử Brexit.
[/tintuc]

[tintuc]

Nền kinh tế Mỹ đã ổn định trở lại, nhưng trợ cấp dành cho người lao động không bao giờ trở về như cũ.
·      Người lao động vẫn muốn tiền lương cũng như các trợ cấp tăng lên, nhưng họ sẽ phải thất vọng vì nhiều khả năng tình hình sẽ trở nên xấu đi.
Theo kết quả cuộc khảo sát thường niên mới được Cộng đồng quản trị nguồn nhân lực Mỹ (Society for Human Resource Management) thực hiện trên 600 người lao động, mức độ hài lòng của người lao động đang ở mức cao nhất trong 10 năm qua. Tuy nhiên, số điểm về sự hài lòng với các loại phụ cấp, ngày nghỉ và chế độ đãi ngộ cũng như sự tôn trọng người lao động ở mức rất thấp.
Tổng quan thì mức độ hài lòng đã tăng lên mức 88%, so với con số 82% của năm 2008 và 77% của 10 năm trước. Tuy nhiên nguyên nhân lớn nhất là do nền kinh tế đã được cải thiện chứ không phải vì chế độ dành cho họ tốt lên đáng kể.
“Không có gì đáng ngạc nhiên, vì nền kinh tế đã ổn định trở lại trong mấy năm gần đây, giờ đây các doanh nghiệp có thể áp dụng lại những chế độ từng bị cắt giảm hoặc thậm chí xóa bỏ hoàn toàn trong thời kỳ suy thoái”, báo cáo viết.
Vì thị trường lao động được cải thiện rõ rệt đồng nghĩa với có nhiều lựa chọn việc làm hơn, người lao động cũng có thể rời bỏ những vị trí mà họ không thích. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phải cải thiện chế độ đãi ngộ để thu hút và giữ chân người lao động.
Khảo sát cho thấy yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến mức độ hài lòng của người lao động là chế độ đãi ngộ và “thái độ đối xử tôn trọng” từ phía doanh nghiệp. Về hai khía cạnh này, tỷ lệ cảm thấy hài lòng rất thấp, lần lượt là 31% và 23%.
Sự phục hồi của nền kinh tế có những tác động trái chiều đến tiền lương. Thu nhập trung bình trong 1 giờ không tăng lên đáng kể trong 5 năm qua, và chỉ đến thời điểm gần đây người lao động Mỹ mới thấy tiền lương tăng lên chút ít.
Trong khi đó nhiều công ty chọn cách tăng tiền thưởng cho người lao động. Tuy nhiên điều này có thể tạo ra những tác động không mong muốn. “Khi doanh nghiệp tiếp cận bằng phương pháp này, chỉ những nhân viên ở vị trí chủ chốt và xuất sắc nhất chứ không phải toàn bộ nhân viên được lợi”, Evren Esen – chuyên gia đến từ SHRM nhận định.
Một số công ty không bao giờ khôi phục lại những phúc lợi đã bị cắt giảm trong thời kỳ khủng hoảng vì họ vẫn giữ quan điểm bảo thủ về ngân sách. Phần lớn vẫn có chế độ phúc lợi về y tế, nhưng vì chi phí tăng lên, phần mà người lao động phải trả đã tăng lên.
[/tintuc]

[tintuc]


Đồng Yên tăng giá mạnh trở lại khi tâm lý lo lắng của nhà đầu tư tăng cao...

·         Động đất tại Nhật Bản khiến Sony, Mitsubishi phải ngừng sản xuất
Thị trường tài chính Nhật trong ngày giao dịch đầu tiên sau 2 trận động đất liên tiếp sụt giảm mạnh nhất trong nhiều tháng, theo những cập nhật mới nhất từ Bloomberg.
Trong chỉ 3 ngày từ thứ Năm cho đến thứ Bảy tuần vừa qua, Nhật đã hứng chịu hai trận động đất có cường độ và sức phá hủy mạnh nhất tính từ tháng 3/2011.
Tính đến thời điểm hiện tại, chỉ tính riêng tại tỉnh Kumamoto đã có 42 người chết, 202 người bị thương nặng, 838 người bị thương tích nhẹ và hơn 110 nghìn người đã phải đi sơ tán. Số liệu về thiệt hại của các tỉnh xung quanh chưa được công bố đầy đủ.
Phiên giao dịch sáng ngày hôm nay trên thị trường chứng khoán Nhật, chỉ số Topix mở phiên lập tức giảm đến 3,5%, cổ phiếu Toyota giảm 6,8%. Tập đoàn sản xuất ôtô hàng đầu nước Nhật này có nhiều nhà máy ở khu vực miền Nam.
Chỉ số Nikkei 225 đầu phiên giảm 2% nhưng sau khi giao dịch được 2 tiếng đã giảm sâu đến hơn 3%.
Trong khi đó, đồng Yên tăng 0,9% và hiện đang giao dịch với đồng USD ở mức 10,7,87 Yên/USD. Đồng Yên cũng tăng giá so với đồng Euro và đồng bảng Anh. Giới đầu tư dự báo chính phủ và Ngân hàng Trung ương Nhật sẽ sớm phải đưa ra biện pháp kích thích kinh tế trong bối cảnh tăng trưởng chậm lại.
Cuối tuần qua, phát biểu trên kênh truyền hình NHK, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe cho biết ông đã yêu cầu tất cả các cơ quan liên quan phải đảm bảo đảm bảo cung cấp đủ nước, thức ăn và thuốc men cho những nạn nhân của động đất Kyushu.
Tại tỉnh Kumamoto trên đảo Kyushu, hàng trăm người hiện đang tạm trú ẩn trong văn phòng làm việc của thành phố. Nhiều người cho biết họ đã không ngủ được trong suốt những ngày qua.
Tính toán của một số chuyên gia cho thấy lợi nhuận hoạt động của Toyota trong quý 2/2016 có thể giảm khoảng 30 tỷ Yên tương đương 277 triệu USD bởi hoạt động tại nhà máy sản xuất phụ tùng ở khu vực miền Nam bị tàn phá bởi động đất.
Hoạt động sản xuất của các nhà máy Toyota trên đảo Kyushu đã bị ngưng lại hoàn toàn từ sau trận động đất vào ngày thứ Năm tuần trước (ngày 14/4).
Cho đến nay, chưa có thông tin nào cho thấy các nhà máy điện hạt nhân trên đảo Kyushu bị động đất phá hủy. Nhà máy hiện đang vẫn tiếp tục hoạt động.
Sau trận động đất, sân bay Kumamoto đã đóng cửa, tất cả các chuyến bay nội địa và quốc tế bị hủy. Hiện vẫn còn hàng chục nghìn người Kumamoto đang phải sống trong cảnh không có điện, nước.
Một số hãng xe khác bao gồm Honda và Nissan cũng đã phải ngừng hoạt động sản xuất tại các nhà máy trên đảo Kyushu.
Ngoài ra, tập đoàn Fujifilm và Nippon Steel & Sumitomo Metal Corp cũng đã tạm thời dừng sản xuất tại nhà máy trên tỉnh Oita trên đảo Kyushu để kiểm tra an ninh.
[/tintuc]

[tintuc]

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) kêu gọi những hành động khẩn thiết để ngăn chặn nguy cơ một cuộc khủng hoảng tài chính mới có thể xảy ra trong vòng 5 năm tới.

1/3 các ngân hàng trong khu vực đồng euro có nguy cơ phải đóng cửa do làm ăn không có lãi, những quan ngại xung quanh việc chuyển đổi mô hình kinh tế của Trung Quốc, và khả năng Anh rời khỏi EU được đánh giá là những nguy cơ lớn cho ngành tài chính toàn cầu.
Theo tờ Guardian (Anh), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã nêu bật những rủi ro có thể dẫn tới một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu mới trong vòng 5 năm tới như những năm 2008-2009 khi cảnh báo sản lượng toàn cầu có thể giảm 4% trong giai đoạn này.
"Quả bom" ngân hàng châu Âu
Để ngăn chặn nguy cơ này, IMF đã kêu gọi cần phải có hành động khấp thiết để tháo gỡ những vấn đề của các ngân hàng trong khu vực đồng euro bởi 1/3 các ngân hàng tại đây đang gặp nhiều thách thức đáng kể để có thể duy trì hoạt động có lợi nhuận.
IMF cho biết, thị trường khu vực đồng tiền chung châu Âu chịu sức ép bởi những vấn đề pháp lý tồn tại bấy lâu. Do vậy, không thể trì hoãn việc tìm ra một phải giải pháp toàn diện hơn để giải quyết những vấn đề của các ngân hàng châu Âu.
Theo tổ chức này, khu vực euro cần phải có một chiến lược tổng thể để giải quyết 900 tỉ euro nợ xấu đang nằm trong sổ sách của các ngân hàng này và các ngân hàng này cũng cần giải quyết vấn đề năng lực dư thừa. Các hệ thống ngân hàng trong khu vực euro chịu nhiều thiệt hại nhất trong tháng 2/2016 phải kể đến Hy Lạp, Italia, Bồ Đào Nha cùng với một số ngân hàng lớn của Đức do những vấn đề như các vấn đề cơ cấu hay năng lực ngân hàng quá tải, tỉ lệ nợ xấu cao và các mô hình kinh doanh ít được điều chỉnh.”
Những đe doạ đối với sự ổn định tài chính toàn cầu ngày càng gia tăng kể từ cuối năm ngoái, vì vậy theo IMF cần phải có những biện pháp bổ sung để đưa ra một tập hợp chính sách hiệu quả và cân bằng hơn nhằm góp phần cải thiện tăng trưởng, lạm phát và bảo đảm ổn định tài chính.
IMF cho biết thêm rằng các nhà đầu tư có thể đòi hỏi tỉ lệ lãi suất cao hơn và các điều kiện tài chính khắc nghiệt hơn có thể dẫn tới niềm tin bị lung lay, tăng trưởng thấp, lạm phát leo thang và nợ tăng.”
Sự vững chắc tài chính có thể bị xói mòn đến mức có thể gây ảnh hưởng đến cả tăng trưởng kinh tế và ổn định tài chính. Nếu điều đó xảy ra, sản lượng toàn thế giới có thể giảm 3,9% vào năm 2020 so với mức dự báo hiện nay của IMF. Theo ông José Viñals, chuyên gia tư vấn tài chính của IMF, tỉ lệ giảm sút này tương đương với tỉ lệ tăng trưởng của một năm.
Báo cáo sự ổn định tài chính toàn cầu của IMF cho thấy các ngân hàng ở các quốc gia phát triển trong những năm gần đây đã trở nên an toàn hơn và hiện nay có khả năng chống đỡ tốt hơn với những căng thẳng về tài chính. Tuy nhiên, các ngân hàng này đã chịu sức ép của thị trường vào đầu năm nay và điều đó phản ánh những quan ngại về các mô hình kinh doanh trong một giai đoạn tăng trưởng kinh tế đình trệ.
IMF cho biết, khoảng 15% các ngân hàng ở các nền kinh tế tiên tiến đã gặp nhiều thách thức trong việc duy trì hoạt động có lợi nhuận mà không tiến hành cải cách. Theo IMF, khả năng đạt lợi nhuận kém đi và những vấn đề về pháp lý chưa được giải quyết làm tăng nguy cơ rằng vốn từ bên ngoài và hoạt động cấp vốn có thể trở nên đắt đỏ hơn, đặc biệt đối với các ngân hàng yếu có giá cổ phiếu rất thấp. Ví dụ, các ngân hàng Italia đối mặt với thách thức này, bởi giá cả thị trường phản ánh niềm tin của nhà đầu tư rằng một số ngân hàng có thể gặp khó khăn trong việc thoát khỏi những khoản nợ xấu lớn đang treo lơ lửng mặc dù các nhà chức trách Italia đã có những biện pháp tích cực để hỗ trợ việc sửa chữa cán cân thanh toán.
Nguy cơ từ công cuộc cải cách của Trung Quốc
IMF cũng bày tỏ mối quan ngại về Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới đang trong quá trình chuyển đổi mô hình kinh tế từ xuất khẩu sang chú trọng vào tiêu dùng nội địa. IMF cho biết quá trình cân đối này của Trung Quốc thực sự rất phức tạp và tăng trưởng kinh tế chậm hơn đã làm giảm thể trạng của khu vực công ty. Theo IMF, Trung Quốc cần có một kế hoạch tổng thể để giải quyết nợ công ty đang dồn ứ và qua đó có thể hỗ trợ cho một quá trình hồi phục đều đặn.
IMF tiến hành theo dõi sát sao sự tác động của giá dầu giảm tới thể chất của các công ty kinh doanh hàng hoá vì nợ nần chồng chất cao hơn sẽ gia tăng sức ép đối với các ngân hàng.
Brexit sẽ gây xáo trộn lớn
Theo IMF, nếu Anh chọn lựa việc rút lui khỏi Liên minh châu Âu, thì đây sẽ là một rủi ro chính gây ảnh hưởng không chỉ đến kinh tế, chính trị mà còn hệ thống tài chính của châu Âu và thế giới. Bởi London là một trong những trung tâm tài chính lớn trên thế giới.
Theo IMF, các nhà hoạch định chính sách cần dựa vào sự hồi phục kinh tế hiện nay và đưa ra một con đường ổn định tài chính và tăng trưởng mạnh mẽ hơn bằng cách tháo gỡ ba thách thức toàn cầu: vấn đề luật pháp ở các nền kinh tế phát triển, khả năng dễ sụp đổ cao của các thị trường mới nổi và những rủi ro mang tính hệ thống ngày càng lớn hơn về tính thanh khoản trên thị trường. Nếu đạt được tiến bộ trên con đường này, các nền kinh tế trên thế giới có thể có những bứt phá mang tính chất quyết định, tiến tới hồi phục vững chắc và một hệ thống tài chính lành mạnh. Trong kịch bản này, sản lượng toàn cầu có thể tăng 1,7% vào năm 2018.
[/tintuc]