[tintuc]
Reuters hôm qua đưa tin Nhà Trắng đã thông báo với các cơ quan liên bang về nguy cơ chính phủ đóng cửa một phần nếu ngân sách chi tiêu không được thông qua trước hạn chót vào ngày 30.9, ngày cuối cùng của năm tài chính. Trong tháng 10, nước Mỹ cũng có nguy cơ lần đầu tiên vỡ nợ nếu trần nợ công hiện nay là 28.400 tỉ USD không được điều chỉnh hoặc tạm dỡ bỏ việc giới hạn mức trần. Hồi đầu tuần này, Hạ viện đã thông qua dự luật cấp ngân sách cho chính phủ, hoãn giới hạn trần nợ công.
Thế nhưng, đảng Cộng hòa tại Thượng viện từ chối ủng hộ dự luật này, bất chấp nguy cơ xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính. Lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell nói rằng đảng Dân chủ đang nắm quyền kiểm soát Nhà Trắng và quốc hội nên việc giải quyết vấn đề là của họ. Thực tế, với việc hai đảng đang nắm giữ số ghế cân bằng 50-50 tại Thượng viện, đảng Dân chủ sẽ gặp rất nhiều khó khăn để có thể tìm được sự ủng hộ của 10 nghị sĩ đảng Cộng hòa nhằm vượt qua thủ tục trì hoãn.
Theo AP, các lựa chọn khác để thông qua dự luật nâng trần nợ công có thể sẽ khó khăn về mặt thủ tục. Việc nâng trần nợ công hoặc tạm hoãn giới hạn trần nợ không giúp chính phủ phê chuẩn thêm các khoản chi tiêu mới nhưng cho phép Bộ Tài chính chi trả cho các khoản nợ tích lũy từ các chương trình đã được chính quyền thông qua trước đó. Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Jerome Powell mới đây nói rằng việc quốc hội nâng mức trần nợ đúng thời gian là điều rất quan trọng và cảnh báo ngân hàng trung ương không đảm bảo việc bảo vệ toàn bộ nền kinh tế hoặc thị trường tài chính trong trường hợp nước Mỹ vỡ nợ.
1. Nguyên nhân
Nói một cách đơn giản do chính phủ hết tiền nên đóng cửa, nghĩa là việc chính phủ liên bang phải tạm đóng cửa vì hết tiền do không được Quốc hội lưỡng viện thông qua ngân sách hoạt động mới. Nhìn chung, “đóng cửa chính phủ” là biện pháp các chính quyền liên bang cũng như tiểu bang và chính quyền địa phương thuộc ngành hành pháp Mỹ thường sử dụng, để đối phó với các cơ quan có quyền chuẩn chi ngân sách chi tiêu hàng năm (Quốc hội, hội đồng thành phố…) đã không đáp ứng những yêu cầu chi tiêu tài chính của họ đề ra.
Nếu 2 viện Quốc hội cho rằng các chính sách công của chính phủ có vấn đề, và việc phân bổ ngân sách hiện tại không hiệu quả, họ đều có quyền phủ quyết ngân sách chính phủ đưa ra. Ngược lại, chính phủ cũng có thể đóng cửa như là một công cụ áp lực khi đàm phán với Quốc hội để yêu cầu cơ quan này chấp thuận các dự toán tài chính của mình.
2. Hậu quả
Việc đóng cửa chính phủ không phải toàn bộ cơ quan chính phủ liên bang sẽ nghỉ không làm việc. Chỉ những cơ quan được coi là phụ, không quan trọng mới được xem xét tạm dừng hoạt động. Các cơ quan thiết yếu khác thực hiện chức năng căn bản và các bộ phận tối quan trọng của chính phủ liên bang, như Bộ An ninh Nội địa hay FBI vẫn được duy trì. Những nhân viên các cơ quan này tiếp tục làm việc bình thường, nhưng có thể họ sẽ không được thanh toán đúng hạn tiền lương cho những ngày làm việc này. Tuy nhiên, việc đóng cửa chính phủ ở Mỹ đã đưa đến hậu quả khá nghiêm trọng về nhiều mặt.
Việc này kéo theo các hậu quả dây chuyền khác, như công việc bị đình trệ dẫn đến các hiện tượng tiêu cực trên các lĩnh vực chịu ảnh hưởng (như rác tràn lan trên công viên gây ô nhiễm môi trường, các nơi tham quan bị đóng cửa làm thất thu ngân sách, an ninh trật tự bị đe dọa vì thiếu nhân lực bảo vệ an ninh công cộng…).
[/tintuc]